Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Nguồn gốc và ý nghĩa của các dãy số 25251325, 35351335, 5841314520

Hôm qua đi học, trong lúc cả lớp đang nói về các con số trong tiếng Trung, Fan Lao Shi có nhắc đến dãy số 25251325, 35351335 và dịch như sau:
25251325: Yêu em, yêu em, suốt đời yêu em
35351335: Yêu anh, yêu anh, suốt đời yêu anh

Tuy nhiên khi hỏi nguyên nhân, lý do để có thể đọc được như vậy thì Fan Lao Shi cũng không chắc lắm. Được biết các dãy số này được đọc như thế xuất phát từ các từ đồng âm khác nghĩa của tiếng Trung, nhân tiện học tiếng Trung, tại hạ quyết tâm tìm ra nguồn gốc và ý nghĩa của dãy số này.

Có nhiều giả thiết được đưa ra, tại hạ lục lọi các wikipedia, thỉnh giáo các chuyên gia số học, vào các forum lớn nhỏ của việt nam, lục sang các forum tiếng Anh, forum tiếng Hoa, và thấy có một cách giải thích khá hợp lý. Rất may tại hạ có kha khá kinh nghiệm về phim ảnh (do điều hành website bán DVD phim: banDVDphim.com nhiều năm) nên càng có cơ hội kiểm chứng cách giải thích này.

Năm 2003, VTV3 có chiếu một bộ phim có tên Chuyện tình Thượng Hải (hoặc có tên khác là Lối thoát cho tình yêu) (xin thưa là không phải bộ phim này như nhiều các hạ nhầm tưởng đâu ạ:[2003] Chuyện Tình Thượng Hải | Ngô Thanh Liên,Nghiêm Khoan,Đồng An Cách). Bộ phim này có sự tham gia của Trần Bảo Quốc (diễn viên chính đóng Bạch Cảnh Kỳ trong Danh gia vọng tộcĐại trạch môn -The Grand Mansion Gate/ The Family – 大宅门). Hai người yêu nhau say đắm, nhưng đây là mối tình ngang trái. Người đàn ông đã luống tuổi và đã có vợ, cô gái vẫn còn xuân xanh. Mối tình lén lút kéo dài đã lâu, nay vì nhiều lý do, người đàn ông phải quay về với vợ cả và dứt tình với xiao lao po. Ly biệt de shihou, người đàn ông phong tình có đưa cho cô gái một tờ tiền, tờ tiền có số serie là 25251325. Lúc đó do đang trong thời điểm “gan dong de shi hou” (thời khắc cảm động, không nói lên câu), cô gái chẳng biết làm gì, cầm tờ tiền rưng rưng nước mắt. Ông kia cũng không biết phải nói gì, cũng tưởng cô gái nhìn serie tiền để tối về đánh đề, nên có nói ngụ ý rằng, em là diễn viên, fa yin (phát âm) của em chuẩn, em sẽ đọc là “Ơ Ủ Ơ Ủ I SAN Ơ Ủ) (er wu er wu yi san er wu), còn anh là nong min (nông dân), nên sẽ đọc là “Ai NỈ AI NỈ I SÂNG AI NỈ” (ai ni ai ni yi sheng ai ni) (Tiếng trung dịch ra là: Yêu em, yêu em suốt đời yêu em). Tối hôm đó, cô gái về nhà của mình, cầm tờ tiền và cứ nhắc đi nhắc lại lời của người tình “cũ” trước lúc chia xa: “Ơ Ủ Ơ Ủ I SÂNG Ơ Ủ”, lẩm nhẩm như phải bùa đến nỗi cô bạn phải nói là có bị chập hay không? Nếu bạn nào đã học tiếng trung đến bài 3 giáo trình cơ bản, học về số đếm trong tiếng Trung, sẽ nhận ra ngay, đây là câu nói cực kỳ thâm nho, điển hình cho văn hóa chữ Hán. Ở tiếng Trung, số 5 đọc là Ủ, “tôi” cũng đọc là Ủ, vì vậy nếu đọc chuẩn cái dòng serie: 25251325 thì phải là “AI Ủ Ai Ủ I SÂNG AI Ủ” – và dịch ra là “Yêu bản thân tôi, yêu bản thân tôi, suốt đời chỉ yêu bản thân tôi”. Thế mà lão kia dám dịch ra câu mà bây giờ thế hệ trẻ tôn thờ và coi đó là một mật mã của tình yêu, ngỡ tưởng đem đi tán nhau chẳng khác “Văn như búa bổ mòn gốc liễu, Số dường cưa xẻ héo cành ngô” – tán ai người nấy đổ.  Hãy để ý sau khi nói xong câu này, ông kia về với vợ cả, để lại cho cô kia mỗi 1 tờ tiền và 1 lời trăn trối yêu em yêu em … nhưng sự thật là ông ý té về với hạnh phúc của mình để “yêu tôi yêu tôi suốt đời yêu tôi”.

Sau câu chuyện này, càng ngẫm nghĩ, tại hạ càng khó hiểu tại sao dòng số này lại được nhiều bạn trẻ thích thú và hay đem đi tặng nhau vậy? Có lẽ đây là một chiêu trong vô số chiêu của dân bán SIM để nâng tầm giá trị những dãy số (cứ như 0915365078 chẳng có nghĩa gì, cũng thành Một Năm Ba Trăm Sáu Nhăm Ngày Không Thất Bát, hay 0909404474 toàn TỬ và THẤT thế mà cũng thành Không chết không chết, ngỡ chết mà không chết, tưởng chết mà thoát chết). Đơn cử 1 số điện thoại có đuôi 25251325 đã bán được với giá hơn 200 triệu đồng. Đúng là một đòn hiểm dành cho những ai đang mù quáng vì yêu. Chỉ khổ cho ai nhận được cái sim hoặc tin nhắn có mật mã này, đảm báo người gửi đã có vợ và một ngày đẹp trời sẽ … yêu tôi yêu tôi suốt đời yêu tôi, và để bạn ôm hận gục đầu vào dĩ vãng.

Về dãy số 35351335 thì hoàn toàn là do việt nam sáng tạo ra, y hệt như trường hợp câu này trong tiếng Trung。
苦海无边, 回头是岸!
(Kǔhǎi wúbiān, huítóu shì ān!)
Dịch ra là: Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ (từ 岸 nghĩa là bờ, nhiều bản dùng từ 安 – an với nghĩa bình an là không đúng câu gốc). Nếu dịch là khổ ải vô biên, quay đầu là bờ thì không sát nghĩa, 苦海 (Kǔhǎi) nghĩa là KHỔ BỂ (biển khổ), nên dịch là “Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ” để thấy sự đối lập giữa biển và bờ, giữa mênh mông và nông cạn, hiểm nguy và an toàn, giữa cái chết và sự sống. (Tính đối xứng trong thơ)
Dân Việt Nam lập tức sáng tác ra vô số câu để đối lại, dễ dàng nghe thấy những câu:

Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ
Quay đầu là bờ, hóa ra biển lớn
Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ
Quay đầu là bờ, hóa ra là biển
Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ
Quay đầu là bờ, ai ngờ là biển
….
Tại hạ cũng nhất thời nghĩ ngay được 1 câu đối để đáp lại văn của người Trung Quốc:
苦海无边, 回头是岸!
(Kǔhǎi wúbiān, huítóu shì ān!)
看没到岸, 这是大海。
(Kàn méi dào àn, zhè shì dàhǎi.)
Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ
Chẳng thấy được bờ, ai ngờ biển lớn

Tự nhận xét là câu này đảm bảo tính đối xứng, câu trên có Biển và bờ, câu đối cũng có Bờ và Biển. Ở trên Biển trước Bờ sau, câu đối Biển sau Bờ trước. Câu trên có “vô biên” nghĩa là rộng lớn, câu đối có “chẳng thấy” nghĩa là không gì cả, câu trên có biển, câu dưới có biển lớn, nhận mạnh hàm ý tránh biển nhỏ gặp biển to, tránh mô tô gặp xe tải.

Cứ như vậy mà suy, một kẻ tài hèn như tại hạ cũng ra được 1 câu đối không tệ, thì việc biến cải những dãy số kiểu như 35351335 áp dụng đủ kiểu nói lái nói trại thì cũng không khó khăn là mấy?  Tiếng Trung thì “Wủa” chỉ ngôi thứ nhất như “I” trong tiếng Anh, “Nỉ” như “You”, thế thì câu 25251325 nói yêu anh hay yêu em đều được, làm sao mà lại còn phân biết 25 là “em” và 35 là “anh”. Nguyên nhân từ đâu? Biết là chiêu này của dân bán SIM, nhưng cũng phải có một cơ sở chứ? Vâng, theo ngu ý của tại hạ, cách giải thích này xem ra hợp lý. Căn cứ vào số “35” vốn nó có ý nghĩa là “dê” như lâu nay cả nhà cùng ngầm hiểu. Mà thường thì ta hay nghe nói “đàn ông dê, đàn bà dâm”, cứ như vậy mà suy ra thì cái “35” này gán cho đấng mày râu là chấp nhận được. Cũng phải nói cha nào sở hữu số này rồi phịa ra được cái câu “Yêu anh yêu anh cả đời yêu anh” rồi cho nó cặp với 25251325 của bên Trung Quốc rồi bán giá trên giời cũng là một cao thủ.

Ngoài những cách dùng 6868 – lộc phát lộc phát hay 2268 – mãi mãi lộc phát, 39,79 – tiểu thần tài đại thần tài, 5959 – sinh vương sinh vương, 1102 – độc nhất vô nhị, 6677 – xấu xấu bẩn bẩn, 5508 – năm năm không tắm, 1’-4, 1505 – một phút tương tư, một năm không phai, … được hình thành từ việc dùng âm của tiếng Việt và tiếng Anh, thì dãy số sau mới chính xác hình thành từ âm của tiếng Trung, đó là:
584.1314.520 = “Anh xin thề, suốt đời anh yêu em”
五八四一三一四五二零。
(Wǔ bā sì yī sān yī sì wǔ èr líng)
我发誓一生一世我爱你。
(Wǒ fāshì yīshēng yīshì wǒ ài nǐ)

584 (Wǔ bā sì): “anh xin thề” (Wǒ fāshì)1314 (yī sān yī sì): “suốt đời” (yīshēng yīshì);520 (wǔ èr líng): “anh yêu em” (wǒ ài nǐ)
Dãy số kinh điển này ngoài việc “520” đọc khá gượng gạo thành “ỦA AI NỈ” (cưỡng chế văn chương)  thì các từ khác nếu đọc nhanh gần như hoàn hảo để nói lái. Nếu đã gượng gạo thì tại sao có thể là kinh điển được? Vâng, kinh điển là do phần gượng gạo đó được hình thành qua 1 câu chuyện khá nổi tiếng và nhiều người biết, nếu bạn nào chưa biết xin đọc bài “Chuyến xe buýt 520”:

Có một chàng trai và một cô gái rất yêu nhau nhưng chưa ai thổ lộ với ai, cả hai đang ở giai đoạn tình trong như đã mặt ngoài con e. Khổ nỗi chàng trai quá ư là nhát gan, nên chờ mãi không thấy chàng trai tỏ tỉnh cô gái cũng rất bực bội, nhưng không lẽ mình là con gái là đi mở lời trước, không thể nào cọ đi tìm trâu được.Một hôm cô gái nói với chàng trai, hôm nay anh hãy đưa em về nhà bằng tuyến xe buýt số 520, nếu anh không làm vậy thì em với anh sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Chàng trai hoang mang lắm vì tuyến xe về nhà cô gái không phải là 520 nên cũng không biết có nên đưa về hay không?Mãi sau vô tình nghe được 1 thông tin trên radio, chàng trai mới hiểu ra và vội vã đưa cô gái về nhà trên tuyến xe 520 và tình yêu của họ đã có 1 kết thúc có hậu.

Tiếng hoa đọc 520 nhanh nhanh âm điệu nghe sẽ giống như là wo ai ni. Cái này thì mọi người biết rùi hén. Vì vậy giới trẻ Trung Quốc thường hay tỏ tình với nhau bằng dãy số này.Sau đây là ý nghĩa của các con số khác mà người Hoa thường sử dụng để bày tỏ tình cảm (cái này do ai đó nghĩ ra rồi lan truyền thành ra dùng lâu thì quen, mọi người mặc định thùa nhận):
Số 0: Bạn, em, … (như you trong tiếng Anh)
Số 1: Muốn
Số 2: Yêu
Số 3: Nhớ hay là sinh (lợi lộc)
Số 4: Người Hoa ít sử dụng con số này vì 4 là tứ âm giống tử, nhưng số 4 cũng có 1 ý nghĩa rất hay đó là đời người, hay thế gian.
Số 5: Tôi, anh, … (như I trong tiếng Anh)
Số 6: Lộc
Số 7: Hôn
Số 8: Phát, hoặc nghĩa là ở bên cạnh hay ôm
Số 9: Vĩnh cửu

Một số dãy số được sử dụng để tỏ tình:
520 = Anh yêu em.
530 = Anh nhớ em.
520 999 = Anh yêu em mãi mãi (vĩnh cửu).
520 1314 = Anh yêu em trọn đời trọn kiếp (1314 nghĩa là 1 đời 1 kiếp)
51770: Anh muốn hôn em. (Sử dụng 2 số 7 để lịch sự, giảm nhẹ sự sỗ sàng)
51880: Anh muốn ôm em.)

Kết luận: Sau bài viết này nếu ai đó còn tôn thờ dãy số 25251325 thì hãy nhớ ý nghĩa đích thực và câu chuyện buồn đãm nước mắt gắn với dãy số này. Một dãy số đặt dấu chấm hết cho một mối tình ngang trái, một cú lừa ngoạn mục của người đàn ông lớn tuổi dành cho cô gái nhẹ dạ cả tin, liệu dãy số này có nên dùng để gửi tặng cho một ai đó mà bạn yêu thương?

Hà Nội, 30-10-2010
Kan Feng Sheng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét