Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

LỊCH SỬ NGÀY CỦA MẸ

Chủ nhật 11 tháng 5, 2014 này, chủ nhật thứ nhì của tháng 5, là Ngày Của Mẹ (Mother’s Day) ở Mỹ. Ngày này nguyên thủy là ngày để vinh danh các bà mẹ có những người con đã hy sinh trong chiến tranh—nếu ở Việt Nam, có lẽ nó đã được gọi là Ngày Các Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.

Những cố gắng đầu tiên ở Mỹ để thành lập Mother’s Day phần lớn là do các nhóm phụ nữ hòa bình. Thế kỷ 19, vào khoảng thập niên 1870s và 1880s, có nhiều cuộc họp của các bà mẹ đã có những người con hy sinh cho cả 2 bên Nam Bắc trong cuộc nội chiến Mỹ, và có một số các lễ tưởng niệm trong các dịp đó, nhưng thường là chỉ ở mức địa phương.

Năm 1868 Ann Jarvis thành lập một ủy ban để thành lập “Ngày Tình Bạn Của Các Bà Mẹ” (Mother’s Friendship Day) với mục đích “kết đoàn các gia đình đã bị chia rẽ trong cuộc nội chiến Mỹ”. Ann Jarvis muốn biến ngày đó thành ngày kỷ niệm cho tất cả các bà mẹ hàng năm, nhưng bà mất năm ngày 9 tháng 5 năm 1905 trước khi ngày lễ trở thành phổ thông.

Con gái của bà, Anna Jarvis, tiếp tục công việc của mẹ, với sự giúp đỡ của một doanh nhân ở Philadelphia tên John Wanamaker. Ngày 12 tháng 5 năm 1907, một buổi lễ tưởng niệm đã tổ chức tại nhà thờ Andrew’s Methodist Epidcopal Church ở Grafton, West Virginia, nơi mẹ của Anna đã dạy giáo lý mỗi ngày chủ nhật.

Nhưng ngày lễ “chính thức” cho các mẹ đầu tiên là năm sau đó, ngày 10 tháng 5 năm1908, cũng tại cùng một nhà thờ, nhưng kèm theo một cuộc lễ lớn hơn trong Nhà Hát Wanamaker bên trong gian hàng Wanamaker ở Philadelphia.

International Mothers’ Day Shrine, ở thành phố Grafton, Taylor Country, West Virginia, USA
Năm sau đó, buổi lễ lại được cử hành rộng rãi ở tiểu bang New York.

Anna Jarvis sau đó vận động để biến Mother’s Day thành ngày lễ liên bang ở Mỹ và quốc tế. Tiểu Bang West Virginia công nhận Mother’s Day năm 1910, và nhiều tiểu bang khác theo sau.

Ngày 8 tháng 5 năm 1914 Quốc Hội Mỹ thông qua đạo luật công nhận ngày Chúa Nhật thứ 2 của tháng 5 là Mother’s Day, và yêu cầu có một công bố của tổng thống. Ngày hôm sau 9 tháng 5, 1914, Tồng thống Woodrow Wilson tuyên bố chính thức Ngày Của Mẹ đầu tiên là ngày người Mỹ treo cờ vinh danh các bà mẹ có con mất trong chiến tranh.

Năm 1934, Tổng thống Franklin D. Roosevelt chấp thuận ban hành một con tem kỷ niệm Ngày Của Mẹ.

Nhà thờ Andrews Methodist Episcopal Church, nơi bà Ann Jarvis đã dạy giáo lý mỗi chúa nhật, được đổi tên thành Đền Thánh Quốc Tế Cho Ngày Của Mẹ (International Mother’s Day Shrine) vào ngày 15 tháng 5 năm 1962. Nhà thờ này được xây từ năm 1873, và được chỉ định là Địa Điểm Lịch Sử Quốc Gia của Mỹ ngày 5 tháng 10 năm 1992.

Hoa Cẩm Chướng

Hoa cẩm chướng trở thành hoa của Ngày Của Mẹ, vì trong buổi lễ chính thức đầu tiên cho Ngày Của Mẹ năm 1908, Anna Jarvis mang đến 500 hoa cẩm chướng cho các quan khách. Đó là hoa mà mẹ của Anna Jarvis thích nhất. Từ đó người ta có tục lệ cài một hoa cẩm chướng trên áo vào Ngày Của Mẹ.

Những người bán hoa ở Mỹ vận động mạnh mẽ cho phong trào cài cẩm chướng, và cho nó thêm một ý mới—-nếu mẹ còn sống thì cài hoa cẩm chướng đỏ, nếu mẹ đã chết thì cài cẩm chướng trắng, và điều này ngày nay đã thành nếp văn hóa Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới.

Thiền sư Nhất Hạnh sang Nhật năm 1962 và học được tục cài cẩm chướng vào áo trong Ngày Của Mẹ. Khi về Thiền sư viết bài thơ Bông Hồng Cài Áo—-không hiểu ý đó là hoa hồng hay hoa màu hồng của Cẩm Chướng (thực ra phải là đỏ chứ không phải hồng). Nhưng sau khi bản Bông Hồng Cài Áo được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết nhạc và biến thành bản nhạc rất nổi tiếng, thì ở Việt Nam ta có phong tục cài bông hồng đỏ và bông hồng trắng trong ngày Vu Lan.

http://www.youtube.com/watch?v=tAFzG2088Bo

TRẦN ĐÌNH HOÀNH
Nguồn: dotchuoinon.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét